Lịch sử Long Xuyên

Thủ phủ (tỉnh lỵ) Long Xuyên trong bản đồ tỉnh Long Xuyên của Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1901

Thời phong kiến

Long Xuyên (Cà Mau) và chợ Long Xuyên (Đông Xuyên) năm 1863

Năm Kỷ Dậu 1789, một đồn nhỏ được thành lập tại vàm rạch Tam Khê[1] được gọi là thủ Đông Xuyên. Đại Nam nhất thống chí tỉnh An Giang chép: "Thủ Đông Xuyên cũ ở đường lạch bờ phía tây Hậu Giang thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, đặt từ năm Kỷ Dậu, đầu thời trung hưng [Nguyễn Ánh dựng nghiệp], sau bỏ. Năm Minh Mạng thứ 18 [1837] đặt làm sở thuế quan, nay [năm Tự Đức] bỏ."[2] Tại vị trí thủ Đông Xuyên rồi sở Đông Xuyên huyện Tây Xuyên (trùng tên với một huyện Đông Xuyên đương thời cũng của tỉnh An Giang nhà Nguyễn), đến thời Tự Đức thành một phố thị với chợ Đông Xuyên năm tại ngã ba rạch Đông Xuyên với sông Hậu Giang. Đến thời Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (tức khoảng năm 1863) cái tên chợ Đông Xuyên được biến đổi thành chợ Long Xuyên, trùng với tên một huyện Long Xuyên (nguyên là đất Cà Mau) của tỉnh Hà Tiên đã từng có trước đó. Từ khi Pháp chiếm An Giang năm 1867 đến 1876, họ chia An Giang thành khoảng 5 hạt tham biện, tên Long Xuyên của chợ này được lấy làm tên của hạt tham biện Long Xuyên. Trong khi đó, huyện Long Xuyên Hà Tiên (nay là tỉnh Cà Mau) thì kết thúc tồn tại.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) lấy đất Tầm Phong Long (được vua Chân Lạp là Nặc Tôn giao cho Việt Nam vào năm 1757 để đền ơn chúa Nguyễn đã trợ giúp lấy lại ngôi vua) cùng với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long, đặt làm tỉnh An Giang với 2 phủ Tuy Biên và phủ Tân Thành. Lỵ sở của tỉnh An Giang đặt tại thành Châu Đốc. Lại cử chức An Hà Tổng đốc, thống lãnh hai tỉnh An GiangHà Tiên, lại thành lập hai ty Bố chánh, Án sát... Địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang thời ấy.[3] thì thành phố Long Xuyên là đất thuộc phủ Tuy Biên. Cho nên sau này (1909), Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong có câu:

Long Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, Cựu trào có đặt Tây Xuyên huyện đường.

Thời Pháp thuộc

Năm 1876, hạt Long Xuyên được thành lập (chủ hạt là Briere), bắt đầu hình thành khu vực chợ Đông Xuyên tại thôn Mỹ Phước, trung tâm hành chính thuộc thôn Bình Đức.

Năm 1900, tỉnh Long Xuyên được thành lập gồm 3 đơn vị hành chính cấp quận: quận Châu Thành (phần đất thuộc huyện Tây Xuyên cũ), quận Thốt Nốt (phần đất căn bản thuộc huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên cũ) và quận Chợ Mới (phần đất căn bản thuộc huyên Đông Xuyên và Vĩnh An của phủ Tân Thành cũ), trong đó có 8 tổng với 54 làng xã.

Năm 1917, địa bàn Long Xuyên hiện nay chỉ có hai làng là Bình Đức và Mỹ Phước, thuộc tổng Định Phước, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Thời Pháp thuộc, làng Mỹ Phước vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh Long Xuyên.

Giai đoạn 1945-1956

Về phía chính quyền Cách mạng, năm 1945 địa bàn thành phố Long Xuyên ngày nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Năm 1947, thuộc tỉnh Long Châu Hậu. Đến năm 1950, thuộc tỉnh Long Châu Hà. Năm 1954, tỉnh Long Xuyên được tái lập, địa bàn thành phố Long Xuyên lúc đó trở lại thuộc tỉnh Long Xuyên.

Giai đoạn 1956-1976

Việt Nam Cộng hòa

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này tỉnh Châu Đốctỉnh Long Xuyên được sáp nhập để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ tỉnh An Giang đặt tại Long Xuyên và vẫn giữ nguyên tên là "Long Xuyên", về mặt hành chánh thuộc xã Mỹ Phước, quận Châu Thành.

Như vậy, vùng đất Long Xuyên được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh An Giang mới thay cho Châu Đốc trước đó. Thời Việt Nam Cộng hòa, xã Mỹ Phước vẫn tiếp tục vừa đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành và là tỉnh lỵ tỉnh An Giang.

Năm 1957, hai xã Bình Đức và Mỹ Phước được chia ra thành 5 xã là Bình Đức, Mỹ Hòa Hưng, Phước Đức (thuộc tổng Định Thành) và Mỹ Phước và Mỹ Thới (thuộc tổng Định Phước). Năm 1959, xã Phước Đức nhập vào xã Bình Đức và Mỹ Phước. Và Long Xuyên luôn là tỉnh lỵ của tỉnh An Giang cho đến năm 1975.

Chính quyền Cách mạng

Năm 1956, chính quyền Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng quyết định đặt vùng đất Long Xuyên thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1957, tách một phần đất của huyện Châu Thành để thành lập thị xã Long Xuyên trực thuộc tỉnh An Giang. Năm 1971, sau khi tách đất tỉnh An Giang để thành lập tỉnh Châu Hà, thị xã Long Xuyên vẫn thuộc tỉnh An Giang.

Tháng 5 năm 1974, thị xã Long Xuyên lại thuộc tỉnh Long Châu Hà theo Hội nghị thường trực của Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn đặt thị xã Long Xuyên trực thuộc tỉnh Long Châu Hà cho đến đầu năm 1976.

Từ năm 1976 đến nay

Tháng 2 năm 1976, thị xã Long Xuyên trở lại thuộc tỉnh An Giang, đồng thời vẫn tiếp tục đóng vai trò là tỉnh lỵ tỉnh An Giang. Thị xã Long Xuyên ban đầu gồm các xã: Bình Đức, Mỹ Bình, Phước Mỹ và Mỹ Phước.

Ngày 27 tháng 01 năm 1977, nhập xã Mỹ Thới của huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên. Ngày 1 tháng 3 năm 1977, theo Quyết định số 239/TCUB của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, thị xã Long Xuyên gồm 4 phường là Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước và 2 xã là Mỹ Hòa, Mỹ Thới.

Ngày 25 tháng 04 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 181-CP về việc điều chỉnh địa giới ở một số xã và thị trấn thuộc tỉnh An Giang.[4] Theo đó, tách ấp Hòa Long, ấp Hòa Phú của xã Hòa Bình Thạnh, một phần ấp Bình Phú của xã Bình Hòa, một phần đất ấp Bình Thạnh (Xép Bà Lý trở lên phía bắc) của phường Bình Đức, thị xã Long Xuyên, lập thành một thị trấn lấy tên là thị trấn An Châu.

Ngày 23 tháng 08 năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 300-CP[5] về việc điều chỉnh địa giới một số huyện và thị xã thuộc tỉnh An Giang. Theo đó, sáp nhập xã Mỹ Hòa Hưng[6] của huyện Châu Thành vào thị xã Long Xuyên.

Ngày 12 tháng 01 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 8-HĐBT về việc phân vạch địa giới phường, thị trấn và một số xã thuộc tỉnh An Giang như sau [7]:

  1. Thành lập phường Mỹ Xuyên trên cơ sở tách khóm 4, khóm 7 của phường Mỹ Long và một phần ấp Tây Khánh A của xã Mỹ Hoà.
  2. Thành lập xã Mỹ Khánh trên cơ sở tách ấp Bình Hoà của xã Mỹ Hoà và một phần khóm Bình Khánh của phường Bình Đức.
  3. Thành lập xã Mỹ Thạnh trên cơ sở tách các ấp Thới Thạnh, Thới An, Đông Thạnh và 1/2 ấp Long Hưng của xã Mỹ Thới.

Ngày 01 tháng 03 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP[8] về việc thành lập thành phố Long Xuyên, thuộc tỉnh An Giang:

  1. Thành lập thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Long Xuyên.
  2. Thành phố Long Xuyên có 10.687 ha diện tích tự nhiên và 245.149 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính cơ sở là các phường Bình Đức, Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Xuyên và các xã Mỹ Hòa, Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới.
  3. Địa giới hành chính thành phố Long Xuyên: Đông giáp huyện Chợ Mới và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp); Tây giáp huyện Thoại Sơn; Nam giáp huyện Thốt Nốt (tỉnh Cần Thơ); Bắc giáp huyện Châu Thành.
Tỉnh lỵ Long Xuyên trong bản đồ tỉnh Long Xuyên của Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1920

Ngày 02 tháng 08 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/1999/NĐ-CP[9] về việc thành lập một số phường thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang:

  1. Thành lập phường Mỹ Thạnh trên cơ sở toàn bộ 1.389,82 ha diện tích tự nhiên và 24.881 nhân khẩu của xã Mỹ Thạnh.
  2. Thành lập phường Mỹ Thới trên cơ sở toàn bộ 2.000,31 ha diện tích tự nhiên và 19.875 nhân khẩu của xã Mỹ Thới.
  3. Thành lập phường Bình Khánh trên cơ sở 628,80 ha diện tích tự nhiên và 24. 820 nhân khẩu của phường Bình Đức (gồm khóm Bình Thới 1, 2, 3 và khóm Bình Chánh 1, 2, 3, 4, 5).
  4. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phường Bình Đức có 1.106,80 ha diện tích tự nhiên và 16.058 nhân khẩu.
  5. Thành lập phường Mỹ Quý trên cơ sở 472,22 ha diện tích tự nhiên và 9.983 nhân khẩu của phường Mỹ Phước (gồm các khóm Mỹ Phú, Mỹ Quới và Mỹ Thọ).

Ngày 12 tháng 04 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 52/2005/NĐ-CP[10] về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Long Xuyên và các huyện Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn, Tân Châu, tỉnh An Giang:

  1. Thành lập phường Đông Xuyên trên cơ sở 89 ha diện tích tự nhiên và 10.149 nhân khẩu của phường Mỹ Xuyên.
  2. Phường Đông Xuyên có 89 ha diện tích tự nhiên và 10.149 nhân khẩu.
  3. Sau khi thành lập phường Đông Xuyên, phường Mỹ Xuyên còn lại 62 ha diện tích tự nhiên và 16.368 nhân khẩu.
  4. Thành lập phường Mỹ Hòa trên cơ sở toàn bộ 1.651 ha diện tích tự nhiên và 26.928 nhân khẩu của xã Mỹ Hòa.

Ngày 14 tháng 04 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg[11] về việc công nhận thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.

Từ đó Long Xuyên có diện tích 106,87 km², có 11 phường là Bình Đức, Bình Khánh, Đông Xuyên, Mỹ Bình, Mỹ Hòa, Mỹ Long, Mỹ Phước, Mỹ Quý, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Xuyên và 2 xã là Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh.[12]


Tên đường của Long Xuyên trước năm 1975

Đường Phan Thanh Giản nay là đường Huỳnh Văn Hây.

Đường Thành Thái nay là đường Ngô Gia Tự.

Đường Châu Văn Tiếp nay là đường Nguyễn Văn Cưng.

Đại lộ Phạm Hồng Thái nay là hai đường Nguyễn Huệ A và Nguyễn Huệ B.

Đường Nguyễn An Ninh nay là đường Lý Tự Trọng.

Đường Trương Vĩnh Ký nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Đại lộ Tự Do nay là đường Nguyễn Trãi.

Đường Trần Hưng Đạo và Liên tỉnh 9 nay là đường Trần Hưng Đạo.

Đường Đồng Khánh nay là đường Hùng Vương.

Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Lương Văn Cù.

Công trường Đốc Binh Vàng nay là đường Phan Thành Long và Đoàn Văn Phối.

Đường Võ Tánh và Trưng Nữ Vương nay là đường Hai Bà Trưng.

Đường Quang Trung nay là đường Lê Minh Ngươn.

Bến Chưởng Binh Lễ nay là đường Lê Thị Nhiên

Đường Nguyễn Trãi nay là đường Nguyễn Văn Sừng.

Đường Liên xã số 1 nay là đường Hà Hoàng Hổ.

Đường Hùng Vương nay là đường Lê Văn Nhung.

Đường Nguyễn Tri Phương nay là đường Lê Hồng Phong.

Đường Đỗ Hữu Vị nay đường Nguyễn Đăng Sơn.

Đường Tạ Thu Thâu nay là đường Nguyễn Thanh Sơn.

Đường Gia Long nay là đường Tôn Đức Thắng.

Đường Liêu Tường Thái nay là đường Lê Triệu Kiết.

Đường Ngô Văn Nhung nay là đường Châu Văn Liêm.

Đường Phạm Ngũ Lão nay là đường Lê Lai.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Long Xuyên http://www.benhvienlongxuyen.com/logobv/logo.htm //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://longxuyen.angiang.gov.vn/ http://socongnghiep.angiang.gov.vn/Tintucsukien.as... http://socongnghiep.angiang.gov.vn/Tintucsukien.as... http://laws.dongnai.gov.vn/1981_to_1990/1984/19840... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Ng... http://www.thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Q...